12 Cách khắc phục phím đàn Piano cơ - điện bị kẹt hiệu quả
Phím đàn Piano bị kẹt sẽ khiến bạn gặp nhiều những khó khăn trong việc chơi đàn, thể hiện kỹ năng và ảnh hưởng tới bản nhạc của bạn. Những nguyên nhân và cách khắc phục phím đàn Piano cơ và Piano điện bị kẹt hiệu quả sau đây sẽ giúp bạn thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Cùng tham khảo ngay nhé!
1. Cách khắc phục phím đàn Piano cơ bị kẹt
“Kẹt phím” là thuật ngữ diễn tả lỗi cơ học của đàn Piano khi một hay một số phím bị tụt xuống và khả năng đàn hồi, trở lại vị trí bình thường khó khăn. Hiện tượng phím đàn Piano bị kẹt có thể xảy ra ở cả đàn Piano mới và đàn Piano cũ.
Sau đây là những nguyên nhân thường gặp và cách khắc phục tương ứng để bạn xử lý mỗi khi phím đàn Piano cơ bị kẹt.
Cụ thể các nguyên nhân khiến phím đàn Piano cơ bị kẹt và cách khắc phục:
1- Do tắc nghẽn
- Nguyên nhân: Có thể các thanh ray của đàn bị bám nhiều bụi bẩn hoặc có những mảnh vụn mắc kẹt. Điều này khiến cho các phím ì ạch, khả năng đàn hồi kém.
- Khắc phục: Để khắc phục tình trạng phím đàn Piano cơ bị kẹt do tắc nghẽn thì bạn chỉ cần vệ sinh, làm sạch đàn bằng máy hút bụi để loại bỏ toàn bộ bụi bẩn, công trùng….là bàn phím sẽ “nhạy” trở lại.
Vệ sinh phím đàn để hạn chế bụi bẩn làm kẹt phím (Nguồn: Internet)
2- Bộ phận cong vênh
- Nguyên nhân: Các phím đàn Piano cơ có thể làm bằng ngà voi hay nhựa nhưng đó là lớp ngoài còn bên trong lõi sẽ là gỗ. Đồng thời, một số bộ phận khác của hệ thống phím cũng được làm bằng gỗ như phần gỗ phía trước các phím (kẹp phim) hay lan can… Gỗ là vật liệu khá nhạy cảm với thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm. Chính vì vậy, theo thời gian các bộ phận làm bằng gỗ có thể bị cong vênh, phồng và khiến phím đàn Piano bị kẹt do cọ xát vào các bộ phận gỗ này.
- Khắc phục: Với tình trạng này thì bạn có thể nhờ các kỹ thuật viên chỉnh lại độ ma sát bằng kìm hoặc sử dụng máy sấy tóc sấy khô nếu bị ẩm nhiều hay dính chất lỏng. Còn nếu không khắc phục được thì bạn có thể sẽ phải thay thế các bộ phận bằng gỗ đã bị biến dạng.
Khi một số bộ phận của phím đàn Piano cơ bị cong vênh, bạn có thể nhờ các kỹ thuật viên chỉnh lại bằng kìm (Nguồn: Internet)
3 - Ăn mòn:
- Nguyên nhân: Đàn Piano sẽ có một số khớp nối trên các nốt và thường được gọi là flanges. Tại các khớp nối sẽ được làm bằng kim loại và bao quanh bởi nỉ. Trong quá trình sử dụng phần kim loại khó tránh khỏi bị ăn mòn do những tác nhân thời tiết hay sự vận hành. Điều này khiến cho các chốt bị mòn và phím sẽ bật lên nhưng búa lại không kịp phản ứng và khiến phím đàn có cảm giác nặng hơn.
- Khắc phục: Bạn có thể nhờ các kỹ thuật viên tháo chốt và lắp lại phần nỉ. Sau đó, chốt trung tâm sẽ thay bằng chốt mới.
Khi các chốt của phím đàn bị ăn mòn thì bạn nên nhờ các kỹ thuật viên tháo chốt và khắc phục (Nguồn: Internet)
4 - Các bộ phận bị hỏng:
- Nguyên nhân: Khi bạn sử dụng Piano, những tác động sẽ khiến các bộ phận trên đàn bị lỏng lẻo như: mất ốc vít, lỏng ốc, khớp nối bị gãy… Đây đều là những nguyên nhân có thể khiến phím đàn Piano cơ của bạn bị kẹt và gây nên những khó khăn khi chơi đàn.
- Khắc phục: Với nguyên nhân này bạn cần nhờ kỹ thuật viên kiểm tra để biết chính xác tình trạng và có hướng xử lý phù hợp.
Khi bàn phím Piano cơ bị hỏng thì việc nhờ sự trợ giúp của kỹ thuật viên/thợ sửa đàn là điều cần thiết (Nguồn: Yamaha)
5- Lót chốt phím quá khít:
- Nguyên nhân: Mỗi phím đàn đều được giữ bằng hai chốt kim loại. Mỗi chốt lại có thêm 1 lớp nỉ để tạo sự chắc chắn. Với những cây đàn Piano mới có phần nỉ lót quá chặt cũng khiến cho phím đàn bị “cứng” và kẹt chặt quá mức vào các chốt của thanh ray.
- Khắc phục: Bạn có thể sử dụng các loại dầu chuyên dụng để bôi trơn chốt hoặc thay thế phím nếu cần.
Lót chốt bàn phím Piano quá chặt thì cũng có thể khiến phím Piano bị kẹt (Nguồn: Internet)
6- Kẹt lớp vải lót bên trong:
- Nguyên nhân: Các chốt kim loại được gắn vào phím đàn thông qua lỗ trên phím đàn. Mỗi lỗ đều có phần lót thường là vải và được gọi là bushing. Nếu độ ẩm cao, lớp vải có thể nở ra và khiến phần chốt bị chèn ép dẫn đến bàn phím bị kẹt.
- Khắc phục: Bạn có thể đầu tư lắp máy hút ẩm hoặc hệ thống sưởi cho đàn Piano. Đặc biệt vào mùa mưa hay mùa nồm ẩm; hoặc việc trước mắt là bạn cần thay phần lót cho các chốt kim loại để bàn phím hoạt động nhạy trở lại.
Kẹt lớp vải lót bên trong cũng ảnh hưởng tới độ đàn hồi của phím đàn và cần phải được khắc phục kịp thời (Nguồn: Internet)
7- Ảnh hưởng của độ ẩm:
- Nguyên nhân: Do người dùng bất cẩn làm đổ chất lỏng lên đàn hoặc không khí ẩm khiến phần gỗ bên trong phím đàn bị biến dạng. Các phím đàn bị phồng và dính vào nhau nên độ nhạy của phím bị giảm sút.
- Khắc phục: Nếu đàn Piano của bạn không có ống sấy thì dùng máy sấy để làm khô phím đàn hoặc sử dụng máy hút ẩm, hệ thống sưởi cho đàn Piano vào mùa mưa, mùa nồm ẩm. Nếu đàn Piano cơ của bạn có ống sấy thì bạn cắm ống sấy 24/7 để bàn phím hoạt động trở lại bình thường khoảng 1 vài tuần thì bạn tháo ra.
Đặt đồ uống lên đàn Piano có thể khiến bạn làm rơi nước ra đàn và tăng độ ẩm khiến cho đàn bị hỏng, phím đàn bị kẹt (Nguồn: Internet)
8- Đặt đàn Piano ở những nơi có nhiệt độ cao:
- Nguyên nhân: Người dùng đặt đàn ở cạnh cửa sổ có ánh nắng chiếu trực tiếp hoặc trong những căn phòng nhỏ, chật chội. Điều này khiến cho các bộ phận gỗ của đàn bị cong vênh và có thể xảy ra tình trạng kẹt phím.
- Khắc phục: Tránh đặt đàn gần cửa sổ, nên lựa chọn một vị trí thông thoáng, mát mẻ để đặt đàn.
Việc đặt đàn Piano ở những nơi có ánh nắng chiếu có thể khiến các bộ phận gỗ của phím đàn bị cong vênh gây kẹt phím (Nguồn: Yamaha)
► Xem thêm: Cách khắc phục phím đàn Piano bị kẹt
2. Cách khắc phục phím đàn Piano điện bị kẹt
Tương tự như phím đàn Piano cơ, đàn Piano điện bị kẹt cũng có thể do bụi bẩn bám vào hoặc hỏng phím do thời gian sử dụng lâu ngày. Tuy nhiên, đàn Piano điện có thể bị kẹt do lỗi cấu tạo phím hay lực tay không đều. Sự khác biệt nguyên nhân bị kẹt phím giữa Piano cơ và Piano điện là do cấu tạo và độ nặng của phím.
Các nguyên nhân thường gặp dẫn tới kẹt bàn phím Piano điện là:
Cụ thể các nguyên nhân kẹt bàn phím Piano điện và cách khắc phục như sau.
1- Do vết bẩn bám:
- Nguyên nhân: Sự tích tụ của bụi bẩn, côn trùng,... khiến các phím không có độ thoáng như ban đầu. Các kẽ hở lấp đầy bụi sẽ khiến phím bị dính với nhau và dẫn đến tình trạng kẹt phím. Các phím đàn không có độ thoáng, bị kẹt, dính với nhau. Điều này làm cho bàn phím không còn độ đàn hồi và lực nảy tốt.
- Khắc phục: Bạn vệ sinh và làm sạch bàn phím bằng máy hút bụi, khăn mềm để lau và loại bỏ hết bụi bẩn. Các phím sẽ có độ thoáng trở lại và không còn dính hay kẹt vào nhau.
Phím đàn bị bám bẩn cũng có thể dẫn tới kẹt phím đàn (Nguồn: Internet)
2- Lỗi trong cấu tạo phím:
- Nguyên nhân: Phím đàn Piano điện rỗng ở bên dưới và được gắn bởi hệ thống lò xo để tạo độ nảy của phím mỗi khi bạn đánh vào phím đàn. Khi hệ thống lò xo bị lỗi thì có thể khiến độ nảy của đàn kém và có thể dẫn tới kẹt phím.
- Khắc phục: Bạn cần nhờ kỹ thuật viên kiểm tra và thay lại phím mới.
3- Lực tay không đều:
- Nguyên nhân: Trong quá trình chơi, những tác động lên phím đàn với lực tay không đều có thể khiến phím bị gãy hay xô và dẫn đến kẹt phím.
- Khắc phục: Để xử lý triệt để tình trạng kẹt phím đàn Piano điện trong trường hợp này thì bạn nên thay phím mới.
Trong quá trình chơi, nếu lực tay không đều cũng có thể khiến phím đàn Piano điện của bạn bị kẹt (Nguồn: Yamaha)
4- Hỏng phím do sử dụng lâu ngày
- Nguyên nhân: Bàn phím của đàn được làm bằng nhựa lên có thể bị thay đổi hình dạng, màu sắc do thời tiết, nhiệt độ. Khi bàn phím bị cong vênh hay gãy thì khiến quá trình chơi đàn của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Khắc phục: Bàn phím cần phải được thay mới nếu bị hỏng do dùng lâu ngày để giúp bạn chơi đàn thoải mái và đảm bảo tính thẩm mỹ của đàn.
Đàn Piano điện có thể bị kẹt do sử dụng lâu ngày và cần thay mới để giúp bạn chơi đàn thoải mái hơn (Nguồn: Internet)
3. Phím đàn Piano bị kẹt khi nào cần thay mới?
Phím đàn Piano bị kẹt nên thay mới khi các cách khắc phục như: vệ sinh, điều chỉnh… không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong trường hợp không xử lý được, bạn nên nhờ các kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm tư vấn để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Bàn phím đàn Piano được khuyên thay mới khi:
- Bàn phím quá cũ, quá lì không còn độ nảy: Thay mới bàn phím Piano sẽ giúp bạn chơi đàn “nhạy”, nhiều cảm xúc và những bản nhạc trọn vẹn hơn.
- Bị dính phím: Việc các phím đàn bị dính chủ yếu là do phím đàn bị biến dạng, cong vênh và không có độ thoáng. Do đó, việc chỉnh sửa hay khắc phục sẽ không mang lại hiệu quả cao và thay phím đàn mới là điều nên làm.
- Phím xô lệch: Các phím đàn có thể bị xô lệch do lực tay không đều (ở đàn Piano điện) hoặc các do quá trình ăn mòn tại các khớp, chốt nối… Bạn nên thay phím đàn mới trong trường hợp này để chơi đàn hiệu quả nhất.
- Có những phím đàn bị liệt, hỏng: Tình trạng phím đàn bị liệt, hỏng do đã khắc phục không được hay do cấu tạo, thời gian sử dụng lâu dài. Bạn cần thay phím mới để tránh làm hỏng quá trình học, chơi đàn của mình.
- Phím bị trầy xước: Do một số va chạm phím đàn của bạn có thể bị trầy xước, tuy không ảnh hưởng tới âm thanh nhưng lại ảnh hưởng đến tâm trạng chơi nhạc của bạn. Đồng thời, phím bị xước còn làm hỏng tính thẩm mỹ của đàn. Do đó, thay phím mới là điều mà bạn nên làm.
Phím đàn cần được thay mới khi bị liệt, hỏng (Nguồn: Yamaha)
4. Cách chăm sóc và bảo trì đàn Piano giúp tăng độ bền, giảm kẹt phím đàn
Sau đây là một số cách giúp bạn chăm sóc và bảo trì đàn Piano để tăng tuổi thọ của đàn và hạn chế tình trạng kẹt phím.
4.1. Chăm sóc và vệ sinh
Một trong những việc làm quan trọng để giúp đàn Piano luôn bền, đẹp và tránh kẹt phím là chăm sóc và vệ sinh đàn thường xuyên.
Nên vệ sinh phím đàn Piano định kỳ: Bạn nên vệ sinh đàn định kỳ 1 năm/lần và tháo các tấm gỗ che để vệ sinh bên trong đàn. Còn phần bên ngoài thì nên vệ sinh sau mỗi khi chơi hoặc 1 - 2 lần/tuần nếu bạn chơi đàn Piano ít.
Dụng cụ cần chuẩn bị: Sử dụng vải mềm, sạch; vệ sinh bằng nước, chất tẩy rửa chuyên dụng hoặc xà phòng (loại tẩy rửa nhẹ).
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Bạn sử dụng khăn mềm, ẩm và lau sạch các bụi bẩn, côn trùng ở bên ngoài đàn Piano. Không nên dùng khăn khô, cứng hay giấy vì có thể làm xước hay để lại bụi giấy trên đàn.
- Bước 2: Bạn sử dụng khăn sạch, ẩm và lau các phím đàn. Bạn nên lau lần lượt và từng phím đàn. Sau đó, lau lại bằng khăn khô sạch để không ngấm nước vào đàn hay bàn phím.
- Bước 3: Bạn sử dụng thêm dung dịch chuyên dụng xịt vào khăn lau. Sau đó, sử dụng khăn để làm sạch lại phần bên ngoài hay phím đàn. Tuyệt đối không dùng khăn ẩm hay chất tẩy rửa xịt trực tiếp lên đàn vì có thể khiến chất lỏng ngấm vào đàn và gây hỏng nhiều bộ phận của đàn trong đó có phím đàn.
- Bước 4: Nếu đàn Piano của bạn vẫn không loại bỏ được hết bụi bẩn sau khi vệ sinh thì bạn có thể liên hệ kỹ thuật để hỗ trợ bạn làm sạch đàn tốt hơn.
Lưu ý khi vệ sinh:
- Khi không sử dụng Piano, bạn nên đậy nắp hoặc sử dụng một mảnh vải dài để che, nhằm hạn chế bụi bẩn, côn trùng bay vào đàn.
- Không để đồ ăn, thức uống đặt lên đàn Piano.
- Mỗi khi chơi đàn, bạn nên rửa tay sạch để vết bẩn hay bụi không bám vào đàn.
- Nếu bạn vệ sinh đàn và muốn đánh bóng thì không nên sử dụng chất tẩy rửa có silicon vì có thể làm hỏng phần gỗ của đàn.
- Khi vệ sinh và làm sạch bụi bẩn thì bạn có thể sử dụng máy hút bụi nhưng nên để ở chế độ nhẹ và đầu hút có gắn bàn chải mềm.
- Bạn nên lau từng phần đàn một và có thể sử dụng khăn khô sạch để lau khô đàn.
- Bạn không nên dùng khăn có màu để lau đàn vì màu từ khăn có thể thấm lên đàn, đặc biệt là phần phím, gây nên những vết ố màu không đáng có.
- Khi lau phím đàn, bạn nên lau từng phím và nên lau phím trắng trước rồi lau phím đen để tránh bám bụi, bấm màu lên phím trắng.
- Không sử dụng các chất mài mòn hoặc hóa chất mạnh để làm sạch bàn phím.
Chăm sóc và vệ sinh đàn thường xuyên giúp đàn luôn bền và đẹp (Nguồn: Yamaha)
4.2. Khử trùng phím đàn Piano
Ngoài vệ sinh đàn Piano thì khử trùng đàn cũng vô cùng quan trọng. Việc khử trùng đàn giúp bạn có thể loại bỏ các vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể khi chơi đàn chung. Đặc biệt là vào những thời điểm dịch bệnh thì việc khử trùng đàn sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình bạn.
Để khử trùng đàn, bạn không nên sử dụng các chất khử trùng thông thường vì sẽ gây hại cho bề mặt phím đàn. Bạn nên sử dụng hỗn hợp nước và dấm với tỷ lệ 3/1 và vệ sinh đàn theo từng bước như trên.
4.3. Bảo vệ và bảo trì
Để đàn có tuổi thọ cao thì việc bảo vệ và bảo trì đàn là vô cùng cần thiết. Bạn có thể bảo vệ đàn bằng những phương pháp sau:
Kiểm soát độ ẩm: Độ ẩm lý tưởng dành cho các nhạc cụ và đàn Piano là 45%. Bạn nên duy trì độ ẩm ở vị trí đặt đàn 45% để tránh ẩm mốc cho đàn Piano.
Vị trí đặt đàn: Bạn không nên đặt đàn gần cửa sổ, cửa ra vào, hay nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp vì có thể khiến đàn chịu nhiều tác động của nhiệt độ và bụi bẩn. Bạn nên đặt đàn ở vị trí trung tâm của ngôi nhà để hạn chế ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Bảo vệ khỏi các chất gây ô nhiễm: Đàn là một thiết bị điện tử nên dễ bị ảnh hưởng bởi các chất lỏng. Bạn không nên đặt hay để chất lỏng gần đàn Piano của mình.
Bảo trì định kỳ: Công tác bảo trì đàn Piano cần phải được thực hiện như sau:
- Lên dây theo thời gian: Bạn nên thực hiện lên dây đàn Piano 4 lần trong năm đầu tiên. Còn những năm tiếp theo thì 1 năm lên dây 2 lần. Những năm đầu thì bạn có thể nhờ kỹ thuật viên và sau đó thì bạn có thể học và tự thao tác.
- Canh chỉnh máy: Nếu bạn mới chơi đàn thì việc canh chỉnh máy bạn nên nhờ các kỹ thuật viên. Còn nếu bạn đã chơi đàn lâu năm và có kinh nghiệm thì có thể tự canh chỉnh máy.
Bảo trì đàn Piano giúp bạn nâng cao tuổi thọ của đàn (Nguồn: Yamaha)
Như vậy, phím đàn Piano bị kẹt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình chơi nhạc, tâm trạng và những bản nhạc của bạn. Tùy theo từng nguyên nhân mà bạn có những cách xử lý phù hợp để chơi đàn thật “phiêu” và chuyên nghiệp. Nếu cần sự hỗ trợ của đội ngũ kỹ thuật giàu kinh nghiệm hay địa chỉ mua phím đàn Piano mới, bạn hãy liên hệ với Yamaha Music Việt Nam để được tư vấn và phục vụ chu đáo.
Hệ thống đại lý Yamaha chính hãng:
Hotline: 1900 299 279
Website: https://vn.yamaha.com
Facebook: Yamaha Music Vietnam
Zalo: Yamaha Music Vietnam