NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ÂM NHẠC NÀO GIÚP PHÁT TRIỂN TỰ NHIÊN CÁC KỸ NĂNG XÃ HỘI VÀ CẢM XÚC?
Trường Âm Nhạc Yamaha đã luôn đi đầu về giáo dục âm nhạc tại Nhật Bản trong hơn 60 năm. Phương pháp giảng dạy của họ không chỉ đơn thuần là phát triển khả năng chơi nhạc mà còn nâng cao các kỹ năng xã hội và cảm xúc, bao gồm sự nhạy bén, sáng tạo, lòng trắc ẩn, sự tập trung và tính kiên nhẫn. Để tìm hiểu thêm về những phương pháp giảng dạy này, chúng tôi đã trò chuyện với bà Yuriko Kitabayashi, giám đốc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Âm nhạc Yamaha, Quỹ Âm nhạc Yamaha.
Mục lục
- 1. Nuôi dưỡng những tâm hồn để thưởng thức âm nhạc thực sự
- 2. Phát triển kỹ năng nghe từ khi còn nhỏ
- 3. Mục tiêu giáo dục: Trẻ em có thể chơi nhạc
- 4. Không chỉ tái tạo âm nhạc thông qua việc luyện tập các kiệt tác
- 5. Bí quyết đằng sau sự phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc của Trường Âm Nhạc Yamaha là gì?
Nuôi dưỡng những tâm hồn để thưởng thức âm nhạc thực sự
Các kỹ năng xã hội và cảm xúc đã trở thành một chủ đề rất được quan tâm và được xem như là một điều cần thiết cho trẻ nhỏ khi sống trong thời đại thay đổi liên tục và trí tuệ nhân tạo tiến bộ nhanh chóng. Nhìn chung, những điều này đề cập đến những khả năng không thể định lượng được, ví dụ như khả năng tự kiềm chế, kỹ năng giao tiếp, tính độc lập, khát vọng và hình thành nền tảng để trẻ học tập, trưởng thành và làm chủ cuộc sống.
Giáo dục nhằm phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc là điều liên tục được tìm kiếm. Các phương pháp giảng dạy tại Trường Âm Nhạc Yamaha đã được áp dụng liên tục trong hơn 60 năm và đang thu hút nhiều sự chú ý do tiềm năng to lớn trong việc phát triển hiệu quả các kỹ năng xã hội và cảm xúc.
Ông Genichi Kawakami, chủ tịch của Nippon Gakki Co., Ltd., tiền thân của Tập đoàn Yamaha, đã vô cùng ấn tượng khi đến thăm Châu Âu và Hoa Kỳ trong khoảng ba tháng và nhận thấy được mọi người thưởng thức âm nhạc một cách sâu sắc. Chuyến thăm đó được xem là động lực dẫn đến sự ra đời của tổ chức tiền thân của Trường Âm Nhạc Yamaha hiện nay vào năm 1954.
"Trường Âm Nhạc Yamaha bắt đầu với triết lý nuôi dưỡng những tâm hồn có thể tự do thưởng thức âm nhạc. Điều này vẫn không thay đổi. Thúc đẩy kỹ năng cảm nhận âm nhạc của mỗi người từ lúc sinh ra, phát triển khả năng sáng tạo âm nhạc của riêng họ và sau cùng giúp họ chia sẻ niềm vui âm nhạc đến mọi người xung quanh" vẫn là mục tiêu giáo dục của trường.
Sách giáo khoa Sơ cấp, được sử dụng nhiều năm trong các lớp học của Trường Âm Nhạc Yamaha
Góc trên bên trái: Ấn bản đầu tiên của cuốn Sơ cấp, xuất bản năm 1972
Góc dưới bên phải: Phiên bản cuốn Sơ cấp được sử dụng ngày nay
Trước đây, phương pháp giảng dạy tại các lớp học piano cá nhân chủ yếu nhấn mạnh vào lý thuyết và biểu diễn. Nhiều trẻ đã cảm thấy thất vọng khi gặp phải những trở ngại lớn trong quá trình đọc và chơi những bản nhạc kiệt tác. Trên thực tế, đây vẫn là phương pháp giảng dạy phổ biến trong các lớp học piano tư nhân ngày nay.
“Trường Âm Nhạc Yamaha đã phát triển một phương pháp giảng dạy âm nhạc mới dựa trên niềm tin của người sáng lập rằng nếu trẻ em có thể tiếp xúc với âm nhạc thông qua nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ có lý thuyết và biểu diễn, các em sẽ học được trong khi thưởng thức âm nhạc. Phương pháp mới này là quá trình 1) Nghe nhạc, 2) Hát những gì nghe được, 3) Chơi những gì đã hát, và 4) Đọc và hiểu rõ những gì đã chơi.”
Trường Âm Nhạc Yamaha vào khoảng năm 1961
Phát triển kỹ năng nghe từ khi còn nhỏ
Giáo dục đúng thời điểm: Trường Âm Nhạc Yamaha nhấn mạnh việc học nhạc cần phù hợp với sự phát triển thể chất và tinh thần của từng học viên. Khả năng thính giác phát triển mạnh ngay từ khi còn nhỏ, và do đó Trường Âm Nhạc Yamaha tập trung phát triển kỹ năng nghe trong các lớp dành cho trẻ nhỏ. Trẻ ở độ tuổi 4 và 5 được trải nghiệm nhiều thể loại âm nhạc thường phát triển “khả năng nghe tốt đối với âm nhạc như một phần của cảm thụ âm nhạc”. Điều này có nghĩa là trẻ có khả năng nghe tốt các yếu tố khác nhau tạo nên âm nhạc, bao gồm nốt nhạc, số chỉ nhịp, nhịp điệu, cường độ và phím.
Thông qua việc phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc, đặc biệt là khả năng nghe tốt khi vui chơi, trẻ đạt được động lực và hứng thú để thể hiện bản thân thông qua âm nhạc. Đây được xem là cách tiếp nhận âm nhạc tự nhiên nhất.
"Khi còn nhỏ, chúng ta học mọi thứ trong cuộc sống bằng cách bắt chước người lớn. Đây cũng là lúc khả năng ghi nhớ từ ngữ của chúng ta gia tăng theo cấp số nhân. Bằng cách tận dụng khả năng theo bản năng, trẻ em có thể dễ dàng học các yếu tố âm nhạc giống như khi học ngôn ngữ."
Mục tiêu giáo dục: Trẻ em có thể chơi nhạc
Xem video truyền cảm hứng này.
Kiệt tác là từ phù hợp nhất để mô tả cách các học viên áp dụng phương pháp giảng dạy đó một cách sáng tạo khi chơi nhạc. Những sáng tạo này thể hiện triết lý của Trường Âm Nhạc Yamaha.
"Thật tuyệt vời khi có thể không ngại ngần trình diễn một bản nhạc tự sáng tác và/hoặc biên soạn, và có năng lực biểu đạt điều bản thân thích trước mặt mọi người."
Giáo dục âm nhạc toàn diện, một trong những đặc điểm của Trường Âm Nhạc Yamaha, khiến điều này trở nên khả thi. Trường đã đưa các nhạc cụ bàn phím làm công cụ giảng dạy, học sinh học nhạc thông qua phương pháp tiếp cận toàn diện bao gồm nghe, hát, chơi và đọc.
Trong nhiều lớp dạy nhạc tư nhân, họ chỉ chú trọng việc dạy và chơi đàn piano. Tuy nhiên, tại Trường Âm Nhạc Yamaha, trẻ sẽ trở nên giàu tính nhạy cảm, sáng tạo và biểu cảm phong phú thông qua triết lý giáo dục âm nhạc toàn diện. Điều này là nền tảng cho việc nuôi dưỡng cảm xúc và các kỹ năng xã hội.
Không chỉ tái tạo âm nhạc thông qua việc luyện tập các kiệt tác
“Chơi nhạc của Mozart hoặc Chopin là sự tái tạo dựa trên cách diễn giải theo phong cách của người biểu diễn. Rõ ràng, việc cải thiện khả năng tái hiện các tác phẩm kiệt tác là rất quan trọng, và việc thể hiện những tác phẩm này theo cách của riêng mình đòi hỏi sự sáng tạo. Tuy nhiên, tại Trường Âm Nhạc Yamaha, tính sáng tạo được trau dồi có một chút khác biệt"
Ví dụ, chơi một giai điệu thoáng nghe được trên truyền hình, qua internet hoặc chơi ở một nơi nào đó mà không có bản nhạc, và thêm vào giai điệu theo chất riêng của mình, đòi hỏi tính sáng tạo tuyệt vời.
“Trẻ có thể làm được điều đó vì đã được rèn luyện kỹ năng nghe ngay từ khi còn nhỏ. Những kỹ năng đó là nền tảng cơ bản để phát triển khả năng sáng tác nhạc nguyên bản. Tập trung vào sự sáng tạo và biểu cảm khi trình diễn là điều tạo nên sự khác biệt giữa Trường Âm Nhạc Yamaha và các lớp học nhạc khác.”
Bí quyết đằng sau sự phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc của Trường Âm Nhạc Yamaha là gì?
Tại sao việc học tại Trường Âm Nhạc Yamaha có thể phát triển cảm xúc và các kỹ năng xã hội?
"Kỹ năng xã hội và cảm xúc có thể được chia thành hai khía cạnh. Đầu tiên là liên quan đến mối quan hệ với chính mình—tự khẳng định, tự kiểm soát, độc lập, tự chủ, sức mạnh để kiểm soát và nhận biết bản thân. Khía cạnh thứ hai liên quan đến bản chất của tính hòa đồng-hợp tác, sự đồng cảm, lòng vị tha, v.v. "
Trường Âm Nhạc Yamaha sử dụng phương pháp giảng dạy nhằm phát triển tính cá nhân và sự sáng tạo của mỗi người, nhưng các bài học nhóm cũng là một trong những điểm độc đáo của trường. Học viên có cơ hội biểu diễn hòa tấu cùng bạn bè, và lắng nghe những màn biểu diễn của các bạn. Đây không chỉ là niềm vui mà còn tạo nguồn cảm hứng khi xem người khác biểu diễn, mang lại động lực để học viên tập luyện chăm chỉ hơn và cải thiện bản thân.
Khả năng nhận thức, các kỹ năng xã hội và cảm xúc có thể giao thoa với nhau.
“Để trở nên chuyên nghiệp trong một lĩnh vực nào đó, chúng ta cần phải luyện tập, nghĩa là phải lập kế hoạch và đặt mục tiêu. Với âm nhạc, chúng ta có thể thấy rõ nếu ai đó có thể hoặc không thể chơi. Vì vậy, khả năng nhận thức cũng đóng vai trò quan trọng. Điều này hơi khó lý giải, nhưng tôi cảm thấy rằng các kỹ năng xã hội và cảm xúc phát triển đan xen với khả năng nhận thức. Đó là hình thức mà kỹ năng này sinh ra các kỹ năng khác. Tôi cho rằng Trường Âm Nhạc Yamaha đã áp dụng điều này một cách tự nhiên trong hơn 60 năm qua. Đặc biệt, trẻ nhỏ có thể phát triển khả năng nhận thức, các kỹ năng xã hội và cảm xúc một cách tự nhiên và hợp lý.
Trong số hàng triệu học viên đã theo học tại Trường Âm Nhạc Yamaha trong suốt lịch sử lâu đời của trường, nhiều cựu học viên nói rằng các bài học âm nhạc tại Trường Âm Nhạc Yamaha đã giúp các bạn ấy học được cách hợp tác và tầm quan trọng của việc duy trì tính liên tục. Tuy nhiên, điều làm cô Kitabayashi hài lòng nhất là khi học viên nói rằng các bạn ấy rất thích bài học hoặc đã bắt đầu có tình yêu với âm nhạc.
"Có rất nhiều cách để thưởng thức âm nhạc, như là hát trong dàn hợp xướng, hát karaoke, chơi trong ban nhạc hoặc ban kèn đồng hay đi xem buổi biểu diễn của nghệ sĩ yêu thích. Dù là hình thức nào, tôi mong rằng trẻ em trong tương lai sẽ tiếp tục có một cuộc sống phong phú, âm nhạc sẽ luôn gần gũi và luôn trong tim các em."
Yuriko Kitabayashi
Giám đốc
Viện Nghiên cứu Âm nhạc Yamaha, Quỹ Âm nhạc Yamaha
Tốt nghiệp Khoa Giáo dục (Âm nhạc), hoàn thành chương trình thạc sĩ Khoa học và Nhân văn thuộc Đại học Ochanomizu. Là cố vấn của Quỹ Âm nhạc Yamaha, đã tham gia biên soạn giáo trình giảng dạy, nghiên cứu phương pháp giảng dạy, tuyển dụng giáo viên cho Trường Âm Nhạc Yamaha, hỗ trợ tập huấn đào tạo cho giáo viên và phát triển mô hình kinh doanh mới. Đảm nhiệm vị trí Giám đốc Viện Nghiên cứu âm nhạc Yamaha vào năm 2019.
Nội dung: Mikako Wakiya / Ảnh: Daisuke Uchida