CẦN GÌ CHO SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA TRẺ?
Mùa xuân là thời điểm tuyệt vời cho những khởi đầu mới. Việc học ngôn ngữ và các kỹ năng không chỉ mang đến những bài học tuyệt vời mà còn góp phần giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp. Chúng tôi đã có trao đổi với Ông Shinichi Furuya - Tiến sĩ Y khoa và nhà khoa học về biểu diễn âm nhạc - về chủ đề ‘Sức mạnh của Âm nhạc’.
Giáo dục sớm là chìa khóa để phát triển sự linh hoạt trong tư duy
Giáo dục âm nhạc được nhận định sẽ giúp nâng cao trí tuệ cảm xúc (EQ), điều này có đúng không? Tiến sĩ Furuya, một nhà khoa học về biểu diễn âm nhạc tại Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính của Công ty Sony, đã bắt đầu chơi piano từ năm 3 tuổi, theo học tại Trường Âm Nhạc Yamaha năm 6 tuổi và học tại đó trong 10 năm, đã chia sẻ về góc nhìn của ông.
Tiến sĩ Furuya: Báo cáo chỉ ra rằng những trẻ được giáo dục âm nhạc từ khi còn nhỏ có chỉ số EQ cao hơn. Trẻ được nhận xét có khả năng thực hiện công việc và giải quyết vấn đề tốt hơn. Ở Nhật Bản, nếu chỉ học ở trường thì trẻ khó có thể tích lũy được những khả năng này. Các lớp học thảo luận nhóm rất phổ biến ở nước ngoài, vì vậy học sinh ở các nước phát triển những khả năng này một cách tự nhiên hơn. Tôi cảm thấy mình đã phát triển những khả năng này khi theo học tại Trường Âm Nhạc Yamaha.
Vậy những người như thế nào sở hữu chỉ số EQ cao? Nhiều người cho thấy khả năng nhận biết trạng thái tâm lý của chính bản thân, để tự khích lệ mình, thấu hiểu và đồng cảm với người khác, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, và xây dựng môi trường mà trong đó họ có thể phát huy những thế mạnh của mình. Nói cách khác, những người có EQ cao dễ dàng hơn trong việc cộng tác với mọi người và nhờ đó, đạt hiệu suất cao hơn.
──Tại sao giáo dục âm nhạc giúp phát triển khả năng giải quyết vấn đề?
Tiến sĩ Furuya: Trong quá trình học nhạc, tôi hay bất chợt nghĩ tới những điều mà “mình không làm được.” Những suy nghĩ này cũng nảy sinh ở Trường Âm Nhạc Yamaha. Giáo viên của tôi không phủ nhận suy nghĩ 'không làm được', mà thay vào đó từng bước mang tới cho tôi những trải nghiệm rằng “Tôi có thể”. Thông qua cách tiếp cận này, tôi đã tích lũy những kinh nghiệm thành công và tiếp tục phát triển bản thân.
Đây là phương pháp giảng dạy rất hiệu quả. Hầu hết các vấn đề không thể giải quyết ngay lập tức. Chúng ta cần phải phân tích chúng, phân tách ra thành các phần nhỏ hơn ở mức độ mà chúng ta có thể xử lý được.
Ví dụ, nếu tôi không thể chơi tốt một đoạn nhạc dài, trước hết tôi phải tìm ra phần còn chưa tốt và tập luyện phần đó. Đây chính xác là quá trình cần thiết khi giải quyết các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong xã hội. Tôi đã học được điều này khi còn nhỏ từ một giáo viên của Trường Âm Nhạc Yamaha.
Đó là một niềm vui lớn khi tôi học được cách làm được những điều mà tôi nghĩ là không thể. Sau nhiều lần đạt được niềm vui này, tôi bắt đầu mong muốn giải quyết các vấn đề và chấp nhận nhiều thử thách khác nhau với một tư duy tích cực hơn. Đến ngày hôm nay, trải nghiệm này vẫn tồn tại rất sống động trong tôi.
Trong nghiên cứu, chinh phục những rào cản mới là điều diễn ra liên tục, nhưng tôi tin mình luôn có thể tìm ra câu trả lời nếu xác định được cốt lõi của vấn đề. Tôi tin khả năng này là một hành trang tuyệt vời trong các hoạt động xã hội.
──Tại sao nên bắt đầu từ bé khi tư duy còn linh hoạt?
Tiến sĩ Furuya: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bắt đầu luyện tập chơi nhạc càng sớm thì khả năng nhận biết cao độ và cảm nhận chính xác nhịp điệu càng tốt. Nói cách khác, việc nghe nhiều bản nhạc hay và được giáo dục về âm nhạc trong giai đoạn "não bộ linh hoạt" sẽ giúp trẻ phát triển khả năng thưởng thức âm nhạc tốt hơn trong suốt cả cuộc đời.
Tuy nhiên, nếu trẻ bắt đầu quá sớm, các em sẽ khó nắm bắt những gì được dạy hoặc ý nghĩa của các nốt nhạc. Độ tuổi phù hợp nhất để bắt đầu tiếp xúc với âm nhạc là khoảng bốn đến năm tuổi. Việc bắt đầu giáo dục âm nhạc trong khoảng thời gian này sẽ làm tăng số lượng tế bào thần kinh trong vỏ não thính giác, khu vực kết nối với khả năng nghe.
Trong việc giảng dạy piano, điều quan trọng là phải nghe nhiều “bản nhạc hay”. Giáo dục âm nhạc ở lứa tuổi mầm non cũng không kém phần quan trọng.
Ví dụ, những người bắt đầu chơi piano từ năm 7 tuổi được nhận định có nhiều tế bào thần kinh trong vỏ não thính giác hơn những người bắt đầu chơi ở giai đoạn muộn hơn. Người ta cũng nói rằng khả năng tiếp thu cao độ hoàn hảo ở trẻ đạt đỉnh vào khoảng 8 tuổi.
Các nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư Gottfried Schlaug thuộc Đại học Harvard và những cộng sự đã phát hiện ra rằng vỏ não thính giác của một trẻ 6 tuổi đã được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong 1 năm 3 tháng chứa nhiều tế bào thần kinh hơn so với một trẻ bằng tuổi chưa qua đào tạo. Nghiên cứu cũng kết luận rằng trẻ có số lượng tế bào thần kinh cao hơn có khả năng cảm nhận nhịp điệu và giai điệu tốt hơn.
Sự hỗ trợ của cha mẹ đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển khả năng âm nhạc của trẻ
── Cha mẹ nên làm thế nào để góp phần phát triển khả năng âm nhạc của trẻ?
Tiến sĩ Furuya: Tôi nghĩ có hai điểm chính ở đây. Thứ nhất là tuyệt đối không quát mắng trẻ. Từ quan điểm cơ chế ghi nhớ của não bộ, việc la mắng hoặc giận dữ với trẻ hoàn toàn không có lợi ích gì ngoài những tác động tiêu cực. Tôi nhớ mình đã luyện tập rất chăm chỉ khi bị bố mẹ khiển trách, nhưng sau đó đã không thể hiện tốt trong buổi biểu diễn piano của mình. Thế là tôi lại bị mắng. Đó là một vòng luẩn quẩn. Tôi thất bại có lẽ vì tôi luyện tập trong khi bị la mắng. Bị chê bai liên tục khiến ta khó ghi nhớ. Ngược lại, việc được khen thưởng sẽ giúp ký ức in sâu vào não bộ.
Thứ hai, cha mẹ nên hiểu rõ về cơ chế hoạt động của bộ não và khả năng “giải quyết mọi việc độc lập”. Một số cha mẹ ép trẻ đến khuya cho đến khi chúng học được cách làm việc gì đó. Tôi nghĩ nếu con bạn không làm được, hãy để trẻ nghỉ ngơi hoặc đi ngủ. Bộ não sắp xếp các ký ức trong khi ngủ. Tôi nhớ mình từng không thể chơi một giai điệu, nhưng sau một đêm ngủ và thức dậy vào sáng hôm sau, tôi đã có thể chơi được. Điều này đã diễn ra nhiều lần.
Học theo nhóm giúp học viên phát triển các kỹ năng tập trung, phối hợp và giao tiếp
── Mục đích của các bài học nhóm tại Trường Âm Nhạc Yamaha là gì?
Tiến sĩ Furuya: Có bốn mục tiêu chính. Đầu tiên là phải có mục tiêu chung cho cả nhóm. Thứ hai là đảm bảo mỗi trẻ giữ một vai trò trong nhóm. Thứ ba là tạo ra một môi trường để trẻ có thể tham gia cạnh tranh lành mạnh thông qua giao tiếp. Cuối cùng là đảm bảo rằng mỗi trẻ có một mục tiêu riêng và tự tin trình bày thành quả của mình.
Các bài học nhóm có quy trình tương tự như khi thực hiện một dự án để giải quyết một vấn đề xã hội. Các bài học nhóm tại Trường Âm Nhạc Yamaha giúp trẻ trau dồi khả năng hợp tác đồng thời trang bị cho trẻ kỹ năng thuyết trình.
Ví dụ, trong một buổi biểu diễn hòa tấu, học viên có thể lắng nghe và tương tác với phần trình diễn của các bạn trong nhóm. Khi tôi chơi nhạc, tôi luôn có thói quen cố gắng cảm nhận biểu cảm và sự thay đổi hình thể của mọi người. Do đó, trong quá trình biểu diễn, tôi có thể thay đổi ngay nội dung và âm điệu của câu chuyện cho phù hợp hơn.
Cách tiếp cận này cũng giúp học sinh tăng cường sự tập trung và kiên nhẫn bằng cách lắng nghe âm thanh của chính mình, phân biệt âm thanh này với âm thanh của nhóm và tìm kiếm sự đồng điệu. Điều này giúp cho mỗi học viên ngày càng thúc đẩy sự nỗ lực của bản thân.
Học được điều này một cách tự nhiên trong khi vẫn tận hưởng đam mê của bản thân, đó là bài học quý giá nhất tôi đạt được trong thời gian theo học tại Trường Âm Nhạc Yamaha.
──Liệu giáo dục âm nhạc có thực sự giúp cải thiện khả năng tiếp thu ngôn ngữ và giúp phân biệt những cảm xúc một cách tinh tế không?
Tiến sĩ Furuya: Điều này hoàn toàn khả thi. Âm nhạc và ngôn ngữ có rất nhiều điểm chung. Cả hai đều có cao độ, nhịp điệu và ngữ pháp. Phần não bộ kiểm soát ngôn ngữ cũng hoạt động trong quá trình tiếp xúc với âm nhạc.
Trong cuộc trò chuyện hàng ngày, chúng ta lắng nghe những âm thanh có nhiều cao độ, giống như sự khác biệt trong ngữ điệu và âm giọng cao thấp của mỗi người. Rất nhiều nhạc sĩ có thể sử dụng đa ngôn ngữ. Họ có thể không biết chính xác từ vựng của ngôn ngữ đó, nhưng cách phát âm của mỗi từ sẽ giúp họ tiến bộ nhanh hơn.
Giọng nói không chỉ truyền tải ý nghĩa của lời nói mà còn thể hiện cảm xúc của người nói. Điều này có nghĩa là các nhạc sĩ có thính giác tốt sẽ có khả năng hiểu được cảm xúc đằng sau của người nói tốt hơn? Theo nghiên cứu của Giáo sư Kraus, thân não của một nhạc sĩ phản ứng tích cực hơn với dạng sóng phức tạp được tạo ra bởi giọng nói của một em bé khi cố gắng diễn đạt điều gì đó. Não của nhạc sĩ nhạy cảm hơn với những giọng nói cố gắng truyền tải cảm xúc. Có thể lập luận rằng giáo dục âm nhạc mang đến cho con người khả năng phong phú trong việc thấu hiểu cảm xúc tinh tế của người khác.
Shinichi Furuya
Nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính Sony Inc., phó giáo sư được bổ nhiệm đặc biệt tại Đại học Sophia, nhà khoa học về trình diễn âm nhạc. Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Âm nhạc, Kịch nghệ và Truyền thông Hanover.
Tốt nghiệp ngành Khoa học Kỹ thuật, hoàn thành bậc Tiến sĩ Y khoa tại Khoa Y thuộc Đại học Osaka. Được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản vinh danh là Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc.
Tác giả của xuất bản phẩm 'Cơ chế siêu việt: Khoa học phía sau bộ não của nghệ sĩ piano' (Nhà xuất bản Shunjusha), dịch giả của tác phẩm 'Những điều mọi nghệ sĩ piano cần biết về cơ thể'. Các lĩnh vực trọng tâm nghiên cứu bao gồm các kỹ năng và lưu ý khi trình diễn piano nhằm hỗ trợ nghệ sĩ .
Là một nhà nghiên cứu và nhà giáo dục, ông có ước mơ thành lập một cơ sở nghiên cứu và giáo dục ở Nhật Bản và nước ngoài để có thể đóng góp cho tất cả những người yêu piano và tạo ra một thế giới văn hóa giàu có và bền vững, nơi mọi người có thể chơi thứ âm nhạc mà họ hướng đến trong suốt cuộc đời.
Nội dung: Mikako Wakiya / Ảnh: Miho Fujiki