QUAN TÂM SỨC KHỎE THÍNH GIÁC
NIỀM ĐAM MÊ TRỌN VẸN VỚI ÂM NHẠC
Ngay từ những ngày đầu tiên, Yamaha đã thêm gia vị cho cuộc sống và tâm hồn thông qua âm thanh và âm nhạc. Sứ mệnh này vẫn tiếp tục khi chúng tôi đưa ra giải pháp đối với sức khỏe thính giác, cách chúng tôi chia sẻ những rủi ro liên quan đến giảm thính lực và cách tận hưởng âm nhạc một cách có trách nhiệm.
NGUY CƠ GIẢM THÍNH LỰC ĐANG GIA TĂNG
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy gần một nửa số người thuộc độ tuổi 12-35 đang có nguy cơ giảm thính lực. Tình trạng này có liên quan trực tiếp với thời gian nghe kéo dài và âm lượng lớn khi đeo tai nghe.
VỀ ÂM LƯỢNG NGHE NHẠC
Nghe nhạc liên tục ở âm lượng cao tất nhiên sẽ gây hại cho thính lực của bạn. Về mặt này, hiện có nhiều xu hướng giảm mức âm thanh phát ra tại nguồn phát— từ tai nghe, earbud, máy nghe nhạc, v.v. Đặc biệt ở Châu Âu, hiện đang xuất hiện nhiều tiêu chuẩn quốc tế về giới hạn mức áp suất âm thanh tối đa ở 100 dB hoặc thấp hơn. Ngoài ra, các hạn chế về mức âm thanh có thể được áp dụng tại các chương trình biểu diễn nhạc sống, các buổi hòa nhạc và sự kiện, và khắp thế giới đang có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ tai của mọi người khỏi âm lượng quá mức.
HIỂU BIẾT VỀ MỨC ÂM THANH NGHE HÀNG NGÀY
Hiểu về mức âm thanh nghe hàng ngày là chìa khóa để hiểu cách bạn cảm nhận âm thanh qua tai nghe. Khi âm thanh vượt quá 100 dB, tai bạn sẽ chịu nhiều áp lực. Tại mức 130 dB, âm thanh đã đủ lớn để gây tổn hại tới thính lực.
MỨC ĐỘ VÀ THỜI GIAN NGHE TỐI ƯU
Khi cân nhắc tới thính lực, hãy xét cả về mức âm lượng và thời lượng nghe. Bạn nghe càng lâu, âm lượng càng nên nhỏ. Biểu đồ dưới đây tuy không phải là lời khuyên về mặt y học, nhưng có thể dùng để tham khảo.
Tham khảo
ITU-T H.870 “Hướng dẫn an toàn cho các thiết bị/hệ thống nghe” - ITU (Liên minh Viễn thông Quốc tế)
CHĂM SÓC ĐÔI TAI CỦA BẠN
DÀNH THỜI GIAN CHO TAI NGHỈ NGƠI
Tai bạn sẽ mệt mỏi bởi các âm thanh hàng ngày. Không chỉ bởi nghe nhạc. Thời gian tĩnh lặng là rất quan trọng, nhất là khi bạn phải ở trong môi trường ồn ào. Trong những tình huống như thế, hãy thử dùng nút tai. Nút tai được dùng để chặn các dải tần số gây hại trong khi vẫn để các âm thanh xung quanh bạn lọt qua.
CẨN TRỌNG VỚI MỨC ÂM LƯỢNG
Khi âm thanh xung quanh quá lớn, bạn rất dễ tăng âm lượng lên mức không an toàn mà không hề hay biết. Hãy nhớ thỉnh thoảng kiểm tra mức âm lượng nghe nhạc.
CHỌN LOẠI TAI NGHE VÀ KHÔNG LÀM TAI BẠN CHỊU ÁP LỰC
Tính năng Listening Care độc nhất được tích hợp trong tai nghe của Yamaha cho phép bạn thưởng thức trọn vẹn âm nhạc ở mức âm lượng thấp nhưng có âm thanh chất lượng cao. Do đặc điểm thính giác của tai người, bạn có thể cảm thấy thiếu các tần số cao và thấp khi nghe nhạc ở mức âm lượng thấp. Và do đó, để nghe rõ hơn các tần số này, bạn có thể phải "bấm bụng" và tăng mức âm lượng một cách không an toàn. Listening Care giám sát mức âm lượng nghe và hiệu chỉnh tối ưu các tần số cao và thấp vốn khó nghe thấy trong khi vẫn duy trì sự cân bằng vốn có của âm nhạc. Điều này không chỉ giúp tai bạn ít phải chịu áp lực do âm lượng quá mức, mà còn tái tạo âm thanh mà tai dễ nghe thấy một cách tự nhiên.
LỜI KHUYÊN TỪ CHUYÊN GIA THÍNH LỰC
Keita SUYAMA
FitEar/Safe Listening
LUÔN TẬN HƯỞNG ÂM NHẠC VỚI CHẤT LƯỢNG ÂM THANH TUYỆT VỜI
Ta tận hưởng và hòa mình vào âm nhạc theo nhiều cách khác nhau, như nghe nhạc bằng tai nghe, đi dự biểu diễn nhạc sống, và chơi nhạc cụ. Tuy vậy, ta thường ít chú ý đến đôi tai của mình - nơi trực tiếp cảm nhận âm nhạc, và vai trò quan trọng của chúng. Nếu bạn đang chìm đắm trong âm nhạc của mình, có lẽ bạn sẽ nghe nhạc trong một thời gian dài ở mức âm lượng cao. Và nhất là ngày nay, điện thoại thông minh và tai nghe không dây cho phép bạn dễ dàng thưởng thức âm nhạc liên tục, vì thế bạn có thể đang ở trong mức độ nghe nguy hiểm mà không hề hay biết. Chắc bạn sẽ tự hỏi làm thế nào để có thể hoàn toàn thỏa mãn với âm nhạc của mình, và mãi được tận hưởng nó bằng âm thanh chất lượng cao - mà không phải ngừng nghe hay phải từ bỏ hoàn toàn âm lượng lớn.
Yamaha đã ở trong lĩnh vực âm thanh và âm nhạc từ rất lâu, và tôi tin rằng họ sẽ có những giải pháp toàn diện giúp người dùng cân bằng giữa trải nghiệm âm nhạc và bảo vệ thính lực, đồng thời cũng như đưa ra những gợi ý hữu ích trong việc sử dụng thiết bị nghe một cách an toàn.
Tiến sĩ, Bác sĩ Takashi YAMATODANI
Thành viên của Hiệp hội Phẫu thuật Tai Mũi Họng-Đầu Cổ Nhật Bản
Giám đốc Phòng khám Yamatodani tại Hamamatsu, Nhật Bản
XÂY DỰNG THÓI QUEN NGHE LÀNH MẠNH
Mất thính giác hoặc ù tai do tiếp xúc với tiếng ồn lớn được gọi là suy giảm thính lực do âm thanh (mất thính giác do tiếng ồn). Trước đây, bệnh lý này thường phổ biến hơn ở những người làm việc trong môi trường ồn ào. Tuy nhiên, mất thính giác và ù tai do nghe âm thanh lớn khi dùng tai nghe trong thời gian dài, đã trở nên gia tăng trong những năm gần đây với sự phát triển nhanh chóng trong việc sử dụng các thiết bị âm thanh di động và điện thoại thông minh. Nhìn chung, có nguy cơ bị mất thính giác khi tiếp xúc với âm thanh ở mức 80 dB (decibel) hoặc cao hơn, là mức âm thanh trong một phương tiện đang di chuyển, trong một thời gian dài. Tai nghe nhét tai và tai nghe chụp đầu cho phép âm thanh đi trực tiếp vào tai cho nên càng cần được chú ý hơn.
Âm thanh (sự rung động của không khí) đi vào tai được chuyển đổi từ rung động thành tín hiệu điện bởi các tế bào lông trong ốc tai, một cơ quan ở tai trong, và truyền đến não. Những tế bào lông này rất nhạy cảm và dần bị tổn thương và suy giảm do tiếp xúc lâu với âm thanh lớn. Các tế bào lông một khi bị tổn thương sẽ không tái tạo lại, vì vậy thường thì tình trạng mất thính lực hoặc ù tai không được chữa trị cho tới khi các triệu chứng xuất hiện.
Để ngăn ngừa tình trạng suy giảm thính lực do tai nghe, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo "không tăng âm lượng", "không nghe liên tục trong thời gian dài", "nghỉ giải lao" và "hạn chế thời gian sử dụng tai nghe mỗi ngày". Tổ chức cũng khuyến nghị "sử dụng tai nghe nhét tai hoặc tai nghe chụp tai có chức năng khử tiếng ồn" để nghe rõ hơn mà không cần tăng âm lượng trong môi trường có tiếng ồn lớn xung quanh.
Với tư cách là các chuyên gia về thính giác, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào Yamaha, công ty đã sản xuất nhạc cụ và sản phẩm âm thanh qua nhiều thế hệ, tiếp tục sản xuất tai nghe nhét tai, tai nghe chụp đầu và các sản phẩm âm thanh khác mà vẫn chú trọng vấn đề về sức khỏe thính giác, để khách hàng có thể thưởng thức âm nhạc và âm thanh lâu dài.
MONG RẰNG ÂM THANH TRUNG THỰC
LUÔN Ở BÊN BẠN
MÃI MÃI
- Quay lại Trang Chủ